FECON triển khai khu đô thị tại Hưng Yên (218 ha, 16.000 tỷ đồng). Dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, hiện đang triển khai hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư trong năm 2025

 28/04/2025  0  Bình luận
Giang

Giang

ĐHĐCĐ FECON: Lợi nhuận năm 2025 chủ yếu từ mảng bất động sản, tâm điểm là dự án Square City

Theo lãnh đạo FECON, trong cấu trúc lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng đặt ra cho năm 2025, dự kiến khoảng 55 tỷ đồng sẽ đến từ mảng thi công, 145 tỷ đồng từ mảng đầu tư bất động sản.

ĐHĐCĐ FECON: Lợi nhuận năm 2025 chủ yếu từ mảng bất động sản, tâm điểm là dự án Square City
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của FECON sáng 28/4.

Dự án Square City dự kiến đóng góp hơn 130 tỷ đồng lợi nhuận

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra sáng ngày 28/4, báo cáo về kết quả hoạt động năm 2024, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON (mã FCN) cho biết, năm vừa qua FECON đã không hoàn thành kế hoạch đặt ra khi doanh thu hợp nhất chỉ hoàn thành 84% kế hoạch, đạt 3.375 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 50% kế hoạch, tương đương 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu của công ty vẫn tăng 17% so với năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ 42 tỷ đồng của năm 2023.

Theo ông Phạm Việt Khoa, năm 2024 thị trường xây dựng và bất động sản vẫn chưa thể hồi phục sau những khủng hoảng của các tập đoàn bất động sản lớn trong nước giai đoạn 2023-2024. Sự trì trệ của thị trường bất động sản làm giảm nhu cầu xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và thương mại.

Bên cạnh đó, các dự án năng lượng tái tạo và điện khí chưa thể triển khai - cơ chế, chính sách liên quan chưa hoàn thiện, dự án năng lượng quy mô lớn gặp khó khăn trong công tác hoàn thiện các điều kiện đầu tư như giá điện, cơ chế đấu thầu mua bán điện...

Dù các dự án hạ tầng trọng điểm như đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn và hệ thống đường sắt quốc gia đang được Chính phủ ưu tiên nghiên cứu triển khai, nhưng điểm rơi thi công dự án sẽ phải từ năm 2026 trở đi.

Ngoài ra, sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xây dựng trong và ngoài nước giữa lúc thị trường còn khan hiếm việc, tạo áp lực cạnh tranh lớn, đòi hỏi các công ty xây dựng phải nâng cao thực chất năng lực cạnh tranh và giảm sâu giá thành sản xuất. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu đầu vào (đặc biệt là vật liệu khai thác như đất, cát, đá sỏi) leo thang theo nhu cầu cấp bách, gây áp lực lớn lên lợi nhuận và dòng tiền của các doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh thị trường xây dựng cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp chỉ xác định mục tiêu có dự án để tồn tại qua giai đoạn khó khăn, thay vì mục tiêu lợi nhuận”, Chủ tịch FECON nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo FECON, năm 2025 dự báo thị trường xây dựng sẽ phục hồi dần và phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp. Do đó, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2024, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 60 tỷ đồng, lần lượt tăng 565% và 807% so với năm trước.

Cập nhật về kết quả kinh doanh quý I/2025, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc FECON cho biết, doanh số ký hợp đồng trong quý đầu năm đạt 1.300 tỷ đồng, tương ứng 85% kết quả cùng kỳ và 20% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý I chưa đáng kể.

Lý giải về việc đặt kế hoạch năm 2025 cao, mặc dù các năm trước đó đều không đạt kế hoạch và quý I/2025 cũng chưa khả quan, ông Nguyễn Văn Thanh, Thành viên HĐQT cho biết kế hoạch năm nay được đặt ra trên cơ sở các dự án có quy mô lớn đã được ký kết trong nửa cuối năm 2024 ở các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, cảng biển, xử lý nước thải, công trình ngầm và dân dụng.

Theo đó, giá trị backlog của FECON trong 2024 chuyển tiếp sang 2025 còn 2.500 tỷ đồng, gồm Cảng Mỹ Thủy (hơn 600 tỷ đồng) đang làm tổng thầu; Khu công nghiệp Hà Khánh - Quảng Ninh; trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh; gói thầu tại tuyến Metro số 3 Hà Nội dự kiến xong trong năm nay để ghi nhận vào doanh thu.


Bên cạnh đó, trong quý I/2025, công ty đã ký được các hợp đồng với giá trị khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là dự án nhà ga để xe sân bay Long Thành, dự án nhà máy điện rác Củ Chi,…

Với mảng đầu tư bất động sản, bà Nguyễn Thị Nghiên, Giám đốc Tài chính của FECON cho biết, trong cấu trúc lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng mà công ty đặt ra cho năm nay, dự kiến khoảng 55 tỷ đồng sẽ đến từ mảng thi công, 145 tỷ đồng từ mảng đầu tư - đóng góp từ dự án Square City tại Thái Nguyên và dự án cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái tại Bắc Giang.

Ông Muôn Văn Chiến, Tổng Giám đốc Fecon Invest - thành viên của FECON bổ sung trong năm nay dự án Square City sẽ triển khai các hoạt động marketing và kinh doanh bán hàng để thu về dòng tiền, giá bán chính xác sẽ được điều chỉnh theo thị trường để đảm bảo lợi nhuận cho công ty. Dự kiến trong năm nay dự án sẽ đóng góp 504 tỷ đồng doanh thu và 132 tỷ đồng lợi nhuận. Sau khi hoàn thành dự án kỳ vọng mang lại khoảng 450 tỷ đồng lợi nhuận cho FECON.

Với dự án cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái tại Bắc Giang (75 ha) FECON hiện đã được thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và báo cáo đánh giá tác động môi trường, bắt đầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ tháng 3, dự kiến khởi công xây dựng hạ tầng vào quý II và bắt đầu ghi nhận doanh thu vào cuối năm 2025, lợi nhuận sau hoàn thành dự kiến 400 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo lãnh đạo FECON doanh nghiệp đang trong giai đoạn tìm nhà đầu tư để chuyển nhượng dự án Khu du lịch sinh thái tại Cao Bằng (82 ha). Đồng thời, công ty đang phát triển thêm một số dự án mới, với một khu đô thị tại Hưng Yên (218 ha, 16.000 tỷ đồng). Dự án này đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, hiện đang triển khai hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư trong năm 2025.

Mục tiêu đạt 11.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2030

Chia sẻ về tầm nhìn những năm tiếp theo, Chủ tịch FECON cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp là đến năm 2030 doanh thu sẽ đạt 11.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 915 tỷ đồng, tăng vốn chủ sở hữu lên 8.007 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu, Chủ tịch FECON nói sẽ có kế hoạch tăng trưởng cả hai mảng xây lắp và đầu tư. Mảng đầu tư 4 - 5 năm qua rất khó khăn để hiện thực hóa doanh thu và lợi nhuận, song công tác triển khai dự án có những chuyển biến tích cực, điểm rơi dòng tiền sẽ vào khoảng năm 2025 - 2027, đặc biệt năm 2027 kết quả sẽ rất khả quan khi bán xong Square City và 2 khu công nghiệp.

Tuy nhiên, nghề chính của FECON vẫn là xây dựng, kế hoạch 2028 - 2029 trở đi mảng xây dựng vẫn chiếm 60% lợi nhuận, còn tầm nhìn mảng đầu tư chỉ chiếm 40%. "Mục tiêu cốt lõi là tích lũy tài sản cho tập đoàn, các mảng hạ tầng, công trình ngầm, cảng chúng tôi tập trung để trở thành đơn vị thi công hàng đầu", ông Khoa nói.

Về câu hỏi FECON có tập trung thi công các công trình dân dụng với margin thấp thời gian tới hay ông, ông Khoa cho hay, năm 2024 công ty có tham gia thi công một số dự án dân dụng, giai đoạn vừa rồi tinh thần là lấy ngắn nuôi dài, cạnh tranh rất khốc liệt, trong khi công trình lại không cần thi công gì đặc biệt. Thời gian tới công ty sẽ thu hẹp các công trình dân dụng để tập trung vào các mảng ưu tiên là dự án ngầm đô thị, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, cảng biển lớn,…

Về định hướng phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) của FECON, ông Khoa thông tin công ty đã nghiên cứu các mô hình từ Nhật Bản và Trung Quốc, các nhà thầu đường sắt đều kèm các nhà thầu TOD, nghĩa là phát triển các bất động sản ven ga, đây sẽ là xu hướng mà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển trong thời gian tới.

"Bên cạnh đối tác Trung Quốc, công ty đang có đối tác từ Nhật Bản. Tuy nhiên, đầu tư hay không vẫn cần sự đồng ý của chính quyền các thành phố. Chúng tôi và đối tác đang lên kế hoạch cụ thể cho 2 - 3 dự án TOD, song chưa thể công bố. Đây là những dự án mà FECON được ưu tiên nghiên cứu", ông Khoa nói.

Ngoài ra, chia sẻ về vấn đề cổ đông quan tâm là chi trả nốt cổ tức năm 2022, ông Khoa giải thích, do dòng tiền gặp khó khăn, tình hình thu hồi công nợ vất vả nên năm vừa qua đã xin chậm trả cổ tức sang quý II/2025. Với khó khăn hiện tại công ty cũng trình cổ đông không chia cổ tức năm 2024.

Viết bình luận của bạn: